Tôi đã tìm hiểu về Dzi từ những năm 2012/2013, viết về Dzi từ 2015 (một số nơi, hiện nay không còn nữa) và 2016 trên vài website mà tôi cộng tác về Nội dung và lập blog này vào năm 2017 khi mà chưa ai viết về Dzi 1 cách cụ thể. Ngày đó, rất ít người biết về Dzi, nói về Dzi.
Mua bán Dzi thời điểm đó, có 2 kênh:
- Những viên Thiên Châu được chế tác từ đá quý, đá bán quý mang hình hài Dzi. Ngày đó, người bán Đá Phong Thủy thường gọi nó là Đá Lạt Ma Tây Tạng, thông tin chỉ có thế.
- Những người buôn đồ cổ, chỉ biết là đồ thật nó có giá không hề rẻ, thông tin cũng chỉ có vậy.
Mãi đến sau này, phong trào tu tập Mật Thừa phát triển mạnh thông qua các dòng truyền thừa từ Nepal, Ấn Độ về Việt Nam thì Văn hóa – Nghệ thuật Mật thừa cũng đi theo, từ Thanka, Tôn tượng, các Pháp Bảo Mật Tông khác thì Dzi cũng bắt đầu đi theo về. Thông qua Tôn giáo, phục vụ niềm tin Tín ngưỡng thì Dzi còn là 1 sản phẩm kinh doanh hết sức lợi nhuận, 1 sản phẩm mà bạn có thể tô vẽ đủ thứ, bán với giá nào bạn thích.
Tiến hóa giá trị
Tôi – 1 người tiếp nhận tín ngưỡng Mật Thừa với quan điểm Tam Giáo Đồng Nguyên sẵn có, 1 nền tảng trải nghiệm Tâm Linh trong đủ khía cạnh của Thế giới vô hình từ Điện Thần Tam Tứ Phủ, Đạo Phù Thủy, Đạo Thần Tiên, Trường Sinh Học, Nhân Điện, Cảm Xạ… không sùng bái bất kỳ 1 hệ thống Tín ngưỡng – Tôn giáo nào, quan trọng là cái nào phù hợp với bản thân, hoàn cảnh và nền tảng trí tuệ mà tiếp nhận để tăng trưởng sự giác ngộ Tâm Linh; 1 người có kinh nghiệm với 10 năm trong lĩnh vực Đá Quý – Ngọc Học, trước hết tôi tiếp cận Dzi ở góc nhìn của 1 Gemology Expert, sau đó tôi luôn tiếp cận Dzi bằng con mắt lý tính, logic và khoa học, thay vì cảm tính, mơ hồ, sùng bái mê tín kiểu siêu nhiên, thần thánh.
Vậy nên, trong giới “mê tín Dzi” thì tôi là người đầu tiên đưa ra tiêu chí tiếp cận Dzi trước hết phải là Đá – Đá tự nhiên – Mã Não tự nhiên – Natural Agate … cái tiêu chí mà trước đó không hề ai nói, ai biết, vì chỉ cần có 1 thứ hình giống Dzi, có hoa văn giống Dzi thì được gọi là Dzi.
- Từ năm 2017, tôi đã viết về nó ở đây: Tiêu chí xác định Đá Dzi Tây Tạng Thật – Giả
Hiện nay, trên các trang bán Dzi, các bạn sẽ thường thấy Dzi đi kèm với 1 chứng thư kiểm định Đá Quý. Tôi không dám nhận, đó là công sức của cá nhân tôi, mà tôi thấy vui mừng vì đó là sự tăng trưởng trong nhận thức, hiểu biết của cộng đồng Dzi, các bạn đã biết, đầu tiên nó phải là 1 thứ (khoáng vật) tự nhiên (không phải nhân tạo) đã. Tôi thích những người có tư duy logic – tư duy khoa học, vì các bạn không mê tín dị đoan, đặc biệt không dễ bị những con buôn tín ngưỡng lừa gạt.
Tôi đã gần như đóng blog và cá nhân cũng đã biệt lập với cộng đồng >3 năm nay, nhưng thông tin về Dzi thì tôi vẫn không bỏ sót. Để tôi tóm lược lại cho các bạn về quá trình này đang diễn ra ở Việt Nam.
- Giai đoạn 1 (cách đây >10 năm): Dzi được biết đến chính thông qua kênh Đá Phong Thủy và 1 số ít người buôn đồ cổ. Đa phần được gọi là Đá Lạt Ma Tây Tạng. Trong đó, qua kênh của những người kinh doanh Đá Phong Thủy thì đều là đá bán quý (Mã Não) được tạo hình thành những viên Dzi; còn kênh của những người buôn Đồ cổ thì có không ít những viên Dzi giá trị.
- Giai đoạn 2 (bắt đầu từ cách đây khoảng 5-6 năm): từ văn hóa Mật Thừa, Dzi đi theo về Việt Nam. Thời điểm này, số người bán Dzi ở Việt Nam cũng khá ít, Dzi có giá trị hơn, phổ giá từ vài chục đến vài trăm triệu (khan hiếm thông tin, người bán ít … đương nhiên Dzi cứ phải được giá). Giá trị của Dzi lúc này phụ thuộc vào nguồn hàng của “con buôn” Tín Ngưỡng.
- Giai đoạn 3 (từ khoảng 2-3 năm trở lại đây): nhu cầu tìm hiểu về Dzi nhiều hơn, người bán Dzi cũng nhiều hơn tạo ra thị trường cạnh tranh hơn nhưng cộng đồng có nhiều thông tin hơn, hiểu biết hơn. Đương nhiên, muốn bán được hàng thì phải “đúng giá”, khoảng giá hiện nay đã chỉ còn từ vài triệu.
Thoái hóa Tín ngưỡng
Các bài viết trên website này, có 2 nguồn:
- Tôi dịch từ các trang thông tin nước ngoài, cung cấp 1 phần thông tin mang tính “đại chúng” cho các bạn. Kiểu, Dzi là gì? Dzi từ đâu đến? Ý nghĩa của số mắt?… Nội dung các bài viết này các bạn sẽ thấy ở rất nhiều nơi, vì rất nhiều nơi copy sao chép lại lẫn nhau (từ tôi), và … quan trọng hơn, nội dung này rất an toàn cho việc bán Dzi.
- Phần còn lại, là viết bằng sự trải nghiệm của tôi, trong đó tôi luôn phản bác, vùi dập những thứ mê tín, sùng bái thần thánh mà đề cao sự logic, tự nhiên, trải nghiệm tâm linh… Nội dung này, không phù hợp với số đông và làm những những người buôn Dzi cực kỳ khó chịu.
Đã coi nó là hàng hóa, kinh doanh, buôn bán thì phải chấp nhận 1 sự thật là sự “đấu tranh”. Vậy nên, các bạn bán Dzi có cảm thấy khó chịu, phiền lòng về những nội dung mang tính “lột trần” của tôi thì “đại xá” cho. Tôi không kinh doanh Dzi, tôi chỉ là người nói trước những điều chưa ai nói – những điều tất yếu mà theo thời gian cộng đồng Dzi sẽ hiểu !
Ấy vậy mà hiện nay một số nơi sinh sau đẻ muộn lại nói nội dung tôi đi sao chép, người đi trước sao chép của người đi sau ! Vô đạo !
Lòng tự tôn và sự tự hào !
Trong nhiều năm “mê tín Dzi” – với Dzi tôi chưa hề gieo rắc cho ai những thứ mang tính phù phiếm, thần thánh siêu nhiên về Dzi hay tất cả những lĩnh vực mà tôi tham gia hoạt động.
Tôi không “bán hàng”, tôi không đi buôn – vì tôi đã nhận thức được giá trị thật sự của Dzi. Dzi không phải hàng hóa.
- Vậy nên, không phải tự nhiên mà tôi có bài viết này (từ 2018): Những vị khách không được mời
Chào các bạn, trong thời gian vừa qua. Tôi có nhận được nhiều lời hỏi thăm và ghé thăm từ nhiều người thông qua trang này. Trong đó có một số “vị khách” mà tôi không muốn gặp.
Vì vậy, để tiết kiếm thời gian cho đôi bên, tôi xin đăng tải thông tin tại đây, nếu các bạn thuộc một trong những nhóm người này, vui lòng không liên hệ, không gặp gỡ để tôi không phải từ chối.
- Những người sống không có niềm tin hoặc quá Mê tín dị đoan.
- Những người thương mại hóa Tâm Linh. Lợi dụng Tín Ngưỡng – Tâm Linh để kiếm tiền bất chính.
- Những người lòng dạ không ngay thẳng, mưu cầu lợi ích cho riêng bản thân mình, bất chấp việc ảnh hưởng đến người khác.
- Những người “tham phú phụ bần” coi đồng tiền là tất cả.
- Những người bán đồ cổ (Nghề nào tôi cũng tôn trọng. Nhưng xin lỗi các bác, chỉ đơn giản là tôi không thích).
Tôi KHÔNG có nhu cầu Mua – Bán – Trao đổi đồ cổ – các thứ liên quan đến đồ cổ và cả Dzi.
Trong từng ấy năm xây dựng blog này, tôi tự hào vì những gì tôi viết ra đây không phải để phục vụ cho việc bán Dzi. Vậy nên, bạn sẽ thấy những nội dung, những cách tiếp cận mà chưa từng thấy ở đâu khác ngoài Dzi Tây Tạng.
Tôi cũng tự hào vì sau ngần ấy năm, gặp gỡ nhiều người tìm đến vì Dzi, mà tôi không phải bán đi bất cứ 1 viên Dzi nào mà tôi có, mặc dù đã có những lời để nghị, những con số đưa ra lên tới rất rất nhiều con số.
Thông qua blog này, rất nhiều quý anh chị, đã đến gặp tôi, trao đổi, tìm hiểu… về Dzi ! Đa phần các bạn, các anh chị đều là những người có tầng lớp Tâm Linh cao, tôi vinh dự về điều đó – và tôi luôn coi đó là giá trị lớn nhất mà tôi nhận được !
Chiếc áo Cà Sa không làm nên Thầy Tu !
Đã nhiều lần, tôi có ý định đóng hẳn blog này, vì tôi ý thức được rằng những nội dung trên này đang giúp cho những người bán Dzi mở rộng market size (dung lượng thị trường, số lượng khách hàng). Thay vì mở rộng nhu cầu và tôi là người đi bán Dzi, thu lợi từ nó thì tôi lại để nó cho các bạn “vẽ bùa” với cộng đồng – thay vì tạo ra sự hiểu biết về 1 thứ mới và dẫn dắt sự hiểu biết đó đến 1 cái đích rõ ràng, cụ thể với Dzi (theo chuẩn mực của tôi) thì tôi lại để cho các bạn (độc giả, những người tìm hiểu về Dzi) ở 1 cái lưng chừng mù mờ, Tôi cảm thấy đấy là 1 việc không nên !
Nhưng, đúng – sai, tốt – xấu … tất cả là 1 quá trình thay đổi nhận thức, và nó là sự tất yếu của một hành trình tăng trưởng Giác ngộ và Trí tuệ Tâm Linh mà không thể tránh khỏi. Vậy nên, tôi vẫn giữ nó lại !
Hiện nay, có nhiều người với hành trang là chiếc áo cà sa truyền bá tín ngưỡng, truyền bá văn hóa nhưng bản chất thực sự là những kẻ “rao vặt tâm linh” !
Hiện nay, có nhiều người với hành trang là chiếc áo cà sa truyền bá tín ngưỡng, truyền bá văn hóa nhưng bản chất thực sự là những kẻ “rao vặt tâm linh”, giá trị duy nhất mà họ muốn có được gói gọn trong 2 từ; “bao nhiêu”?
Đạo bất đồng bất tương vi mưu !
Các bạn vẽ bùa kiếm tiền, nhưng đừng vì những thứ thấp hèn mà kéo tụt quá trình tăng trưởng trí tuệ Tâm Linh của bản thân và nhiều người khác, mà hệ quả của nó còn để lại ở nhiều thế hệ.
Đừng so sánh tôi với các bạn. Vì giá trị của các bạn là ở những con số, còn với tôi con số chỉ là công cụ tập đếm !
Chúc các bạn đi buôn với 1 cái-tâm-không-hằn-học !
Khánh Hồ – Engineer / Gemology Expert / Fengshui Consultant
Có thể gặp tôi ở đây: https://www.facebook.com/khanhho.work